Wednesday, July 30, 2014

Cá Cơm ngào giòn

Cá cơm300g
Dầu chiên
Nước sauce : nước mắm, đường, ớt
Cá cơm giòn, vị mặn, ngọt dịu, thơm ngon. Cách làm rất dễ.

Các bước thực hiện 

  1. 1. Cá cơm làm sạch, để ráo. Cho vào dầu chiên vàng, giòn. 
    Vớt ra rổ cho ráo.
    2. Làm nước sauce: cho 2 muỗng canh nước mắm + 1,5 muỗng đường và chút ớt bằm vào nồi. Đun sôi.
    3. Cho cá đã chiên vào, đảo đều tay. Hỗn hợp sauce từ từ bám vào cá. Tắt bếp và chờ nguội. Trữ vào keo/lọ nếu ăn lâu.
    Chú ý: Tùy theo khẩu vị thích ngọt hay mặn thì thêm hay bớt nước mắm. 
    Cá giòn, thơm ngon ăn với cơm hay cháo đều ngon.
  2. (Nguồn: http://www.bepgiadinh.com/ca-com-ngao-gion-rd)


Bạch tuộc xào hoa Thiên lý ... ngon mê ly

Hoa thiên lý có vị ngọt mát, ăn giòn nên rất hợp khi xào cùng các loại hải sản, đều rất ngon miệng và đưa cơm.

Nguyên liệu:
- Bạch tuộc: 400gr
- Hoa thiên lý: 200gr
- Cà rốt: 1 củ nhỏ
- Gừng, tỏi, hành lá, chanh

Thực hiện:
Bước 1: Bạch tuộc móc bỏ ruột, rửa sạch cùng chanh (hoặc dấm), để ráo nước, thái thành từng miếng, cho vào một cái bát.
Bạch tuộc xào hoa thiên lý - 2
Bước 2: Hoa thiên lý rửa sạch, để ráo nước; cà rốt bào sợi; hành cắt khúc. Tỏi, gừng băm nhỏ.
Bạch tuộc xào hoa thiên lý - 3
Bước 3: Cho gừng, hạt tiêu, hạt nêm, gia vị vào bát bạch tuộc trộn đều, để 15 phút cho bạch tuộc ngấm gia vị.
Bạch tuộc xào hoa thiên lý - 4
Bước 4: Phi thơm tỏi, cho bạch tuộc vào xào
Bạch tuộc xào hoa thiên lý - 5
Bước 5: Xào nhanh tay đến khi bạch tuộc chuyển màu hồng hồng thì cho cà rốt vào xào cùng. Dùng đũa đảo đều vài lần, cho tiếp hoa thiên lý vào xào tới khi hoa thiên lý chuyển màu xanh đậm, cho hành, nêm nếm gia vị vừa ăn, đảo đều, tắt bếp. Giờ bạn chỉ việc cho ra đĩa và thưởng thức thôi!
Bạch tuộc xào hoa thiên lý - 6
Bạch tuộc xào hoa thiên lý - 7
Bạch tuộc xào hoa thiên lý - 8
Trông hấp dẫn ghê các bạn nhỉ!

(Nguồn: http://hcm.eva.vn/bep-eva/bach-tuoc-xao-hoa-thien-ly-c162a100806.html)

Sunday, July 27, 2014

Mùa cá Cơm

Mùa cá cơm
Cá cơm kho rim -  Ảnh: T.C.Duyên

Mùa cá cơm bắt đầu từ giêng hai và thường “lai rai” đến giữa hè. Có năm rộ lên, thuyền ra cửa biển vài tiếng đồng hồ đã vội quay vào vì lưới đầy cá nặng. Đã có những ngư dân nhờ trời cho “lộc biển”, chỉ sau... nửa mùa bỗng trở thành tỉ phú cá cơm.

Khá nhiều lò hấp cá cơm mọc lên, lửa bập bùng cả đêm. Cá hấp được phơi khoảng vài nắng rồi bán cho thương lái. Từ những đầu mối này, chúng được xuất đi các nước trong khu vực. Một lượng lớn cá cơm được muối, cho vào những thùng gỗ để mùa sau “ra đời” loại nước mắm vàng óng, thơm đến mức muốn... húp mà không sợ mặn. Cá cơm phơi tươi cũng thành một loại “khô” hảo hạng, xuôi nam ngược bắc cho người mua làm quà.

Mẹ nói cá cơm “hiền” lắm, người đau ốm, đắng miệng, chán ăn, chỉ cần một vốc cá cơm nấu canh với lá me đất thì đang yếu cũng lòm khòm ngồi dậy. Ông anh hay nhậu thì rất khoái món gỏi. Lúi húi một lát với cá cơm cùng chanh, hành hoa, bột nêm, ớt, rau sống, bánh tráng giã nhỏ, nước chấm..., anh “a lô”. Tiếng bạn bè xôn xao ngoài ngõ.

Chị thì không ưa món gỏi vì theo chị, nó “sống sít và lỉnh kỉnh”. Chị luộc cá cơm, nêm vừa miệng, cho hành ngò và cà chua vào. Mấy chị em bẻ bánh tráng, xúc cá ăn ngon lành. Một lát hết cá thì đổi kiểu: bóp bánh tráng vào chén, chan nước và xì xụp đến khi thấy “rắn ráo” trong nồi. Nhớ thằng cu út, nó bỏ cả chục con cá lên miếng bánh tráng rồi chạy ra sau hè vừa ăn vừa chơi với đám nhóc. Lát sau vào thấy mâm bát sạch sẽ, nó ngồi phịch xuống đất khóc òa, cặp chân bé xíu duỗi co lia lịa, nước mắt nước mũi lòng thòng. Chị phải cho một cục đường đen to “bà cố” nó mới thôi.

Nhớ nhất là món cá cơm kho rim của mẹ. Mẹ nói kho kiểu này gia vị cô lại, con cá săn cứng, ném trúng chắc... u đầu. Nhớ những xế chiều thuở nhỏ, đang chơi nghe bụng cồn cào, chạy về lục cơm nguội ăn với cá cơm kho rim. Xong, ra lu nước dưới gốc cau “chơi” một gáo dừa nước lạnh, quệt ngang miệng rồi tiếp tục nhảy chân sáo ra đường. Có vậy thôi mà giờ xa quê, nghe ai nhắc “mùa cá cơm” lại thấy lao xao tuổi thơ ngày ấy...

(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120712/mua-ca-com.aspx)

Thơm ngon cá Bớp

Vốn có hình thù to lớn, nhiều con nặng cả chục ký, cá bớp được xếp vào loại cá dữ nhưng thực ra là hiền, với thói quen ăn tạp. Ngoài lượng cá tự nhiên khai thác trong lòng biển, cá bớp còn được nuôi nhốt trong các lồng bè ở những cửa biển nước lợ, với nguồn thức ăn đa dạng - từ cua ốc cho tới các loài cá nhỏ.

 
Cá bớp chuẩn bị nấu canh chua - Ảnh: Đăng Khôi

Món ngon từ cá bớp gồm cả một danh sách dài, do các tay sành ăn hào hứng thống kê: nào là chiên, nướng,sốt cà, nấu lẩu, nấu canh chua, nấu ngót... Từ đầu đến đuôi cá đều có thể chế biến những món khoái khẩu. Cho dù trẻ con ít răng, người già yếu răng, hay thanh niên đủ cả hàm chắc khỏe, đều có sẵn món phù hợp, cứ gọi là thịt cá bớp... không bênh ai bỏ ai. Nói về thời tiết lại càng không từ chối bữa cơm cá bớp. Dù mưa hay nắng, mát lạnh hay nóng bức, chỉ cần chén cơm bốc khói dọn ra bên cạnh khúc cá bớp đã chế biến ngon lành, thì đều no nê căng bụng.

Sau khi đánh vảy và rửa sạch, cắt con cá lớn ra thành từng khúc vừa phải. Cái nào chế biến liền thì bỏ ra đó, cái nào để dành thì chia riêng từng khúc đựng trong từng bao ni lông sạch, cho vào ngăn đá đông lạnh dùng được suốt tuần.

Chế biến liền, thật nhanh gọn cho bữa cơm trưa, có thể dùng vài ba khúc cá nấu canh chua. Không cầu kỳ, chỉ chục đậu bắp, nửa trái thơm, vài trái cà chua, mấy tai bạc hà, ớt chín, thêm ít me chín và hành ngò. Bắc nồi nước lên bếp, cho gia vị dành nêm nếm vào trước, thêm hai ba trái ớt cắt khoanh. Đợi nước sôi bùng lên thì bớt lửa, thả cá vào, đợi cá chín thì cho đậu bắp vào trước, lần lượt đến bạc hà, thơm, cà chua. Đến đây thì nước canh đã có vị chua của thơm và cà, nên phải chú ý chỉ cho lượng nước me vừa đủ (me chín nên dầm riêng với ít nước nóng, lọc lấy nước bỏ xác). Sau cùng nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, tắt bếp, rắc hành ngò.

Nồi canh chua cá bớp ngon khi húp muỗng canh vào có vị chua nhẹ, cay cay, ngọt béo và thanh mát - là tổng hòa giữa các vị ngon của thịt cá, rau quả và gia vị. Cá bớp ngọt thịt, dai dai, da cá beo béo nhai rất thích. Nếu nấu canh chua (hoặc nấu lẩu) bằng đầu cá, ta còn được thưởng thức lớp sụn giòn giòn, phải nói hao bún hao cơm. Còn thêm món gỏi lòng cá với rau thơm thì thôi rồi! Những miếng bao tử giòn dai, vừa thơm vừa béo, chắc hẳn cánh đàn ông không khỏi nhớ một ly rượu gạo...

(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140606/thom-ngon-ca-bop.aspx)

Đậm đà canh chua cá Chẽm/ cá Vược

Đậm đà canh chua cá chẽm
Nguyên liệu cho nồi canh chua thơm ngon - Ảnh: Đăng Khôi
Người quê tôi hầu như không khi nào lo thiếu vắng cá tươi trong bữa cơm hằng ngày. Các bà nội trợ sành nấu sành ăn, có thể cân nhắc với cá mú, cá bớp, cá chẽm, cá dứa, cá nâu... và nhiều loại khác. Một chiều ở bếp nhà, chúng tôi ra bè chơi trở về mang biếu mẹ một con chẽm nặng gần hai ký lô. Mẹ lắc đầu “chê” cá to, nhưng đôi mắt lấp lánh niềm vui được trổ tài nội trợ.

Cá chẽm thịt ngọt, lành tính, có thể chế biến thành nhiều món ngon: chưng tương, nấu ngót, kho hành ớt, chiên xù xốt chua ngọt... Nhưng “đã” nhất vẫn là cá chẽm nấu canh chua.

Những cơn mưa miền Đông Nam bộ thưa dần, nhưng sau vườn mẹ tôi vẫn còn giữ lại được nhiều loại rau gieo trồng hồi giữa mùa mưa. Trái khóm vàng ruộm. Những tai bạc hà xanh mướt phủ bên ngoài lớp phấn trắng mỏng. Mùi hăng của vạt hành. Mùi thơm dễ chịu của ngò gai, ngò om. Và mùi cay quyến rũ của cây ớt thấp lè tè trái chín đỏ cây.

Chúng tôi chỉ phải nhìn sang vườn hàng xóm để “mượn” hai trái cà chua và mấy trái me chín trên cây còn lại từ năm trước. Nồi canh coi như trọn vẹn. Nước me kèm theo hai trái ớt giã nát, đợi sôi vài dạo, thả từng lát cá vào. Cá vừa chín tới, cho vào tiếp khóm, bạc hà đã cắt miếng vừa ăn. Tiếp theo là cà chua, nêm nếm vừa miệng và nhanh tay tắt bếp vì cà mau chín. Rải hành, rau ngò và thêm vài lát ớt vào nồi, mùi thơm dậy lên nức mũi...

Gắp một miếng cá chẽm thơm ngon chấm vào chén nước mắm cay, anh em chúng tôi đùa nhau: “Người khôn ăn cái...”. Vậy thì “người dại húp nước”, ai nấy đua nhau húp xì xụp từng muỗng canh nóng hổi ngọt lừ. Cá béo cực kỳ, nên công đoạn nêm nếm cũng rất giản dị, vị giác cảm nhận trọn vẹn món quà về từ cửa biển...

(Theo: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121108/dam-da-canh-chua-ca-chem.aspx)

Canh chua cá Bống lá giang


Cá bống có nhiều loại, sống chủ yếu ở sông, ven đầm, nhiều nhất là xung quanh các đìa nuôi tôm - nơi có nguồn thức ăn dồi dào mà người nuôi vãi cho tôm ăn hằng ngày. Cá bống mới đánh bắt còn tươi rói, đem về làm vảy, ruột thật sạch để chế biến. Ngoài những món quen thuộc như cá bống kho tộ, kho sả ớt... cá bống còn dùng để nấu canh chua với lá giang. Món này vừa giải nhiệt trong những buổi trưa hè oi bức vừa tạo cảm giác lạ miệng, bắt cơm.
Canh chua cá bống lá giang
Nguyên liệu nấu canh chua - Ảnh: Ngô Mã Thiên
Lá giang thuộc họ dây leo, mọc khắp các bìa rừng, bìa rẫy, có vị chua dịu. Theo đông y, lá giang là một bài thuốc dân gian quý, dùng để chữa các chứng: ăn uống không tiêu, bụng đầy chướng, đau dạ dày, đau nhức xương khớp... Ngoài chữa bệnh, lá giang còn được dùng để nấu canh chua với các loại thực phẩm như cá, thịt... Khi hái lá giang nấu chua phải lựa loại lá có màu xanh non, mơn mởn. Không nên lấy lá quá già sẽ bị chát và cứng.

Để có nồi canh chua ngon, trước khi nấu người nội trợ sẽ ướp cá bống với gia vị vừa phải, và dùng tay vò nhẹ cho lá giang dập sơ để tạo vị chua cho món canh. Cho vào nồi canh chua vài trái ớt đã băm nhỏ. Bắc nồi nước đã nêm đầy đủ gia vị lên bếp, đun sôi rồi thả cá vào, chờ cá chín mới cho lá giang vào theo. Khi nào lá giang đổi màu thì tắt bếp, nhấc nồi xuống. Ăn món canh chua này kèm theo chén muối ớt để chấm cá là “đúng bài” nhất.

(Theo:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130825/canh-chua-ca-bong-la-giang.aspx)


Cá Nục hấp

Mành về...! Mành về...! Vào mùa hè, sáng nào cũng thế, tầm độ 5 giờ sáng, thanh âm của tiếng gọi nhau ra biển đón ghe về làm xao động cả xóm chài.
Dù không có nhiệm vụ gì, trẻ con chúng tôi cũng ba chân bốn cẳng lon ton chạy theo các mẹ, các chị ra biển. Dưới nắng vàng, trên các khoang thuyền cơ man nào là cá, những thân cá lấp lánh trong ánh bình minh lung linh những sắc màu khiến ai nhìn thấy cũng đều thích thú.

Trong số các loài cá mà ngư dân sau chuyến biển đêm mang về, có một loại cá mình thon dài bóng mượt tươi xanh, đó là cá nục. Phụ nữ xóm chài sau khi thoăn thoắt cho cá vào thúng và quang gánh lên vai chạy cho kịp buổi chợ, thì lũ con nít chúng tôi cũng hối hả quay về nhà để chuẩn bị đến lớp. Còn nhớ, mỗi khi đến mùa cá nục, hầu như tuần nào trong mâm cơm gia đình cũng “có mặt” con cá này, lúc thì kho với dưa gang, khi chiên vàng rụm, lúc thì nấu canh thơm, cà chua... nhưng có lẽ với lũ trẻ con chúng tôi, không gì ngon bằng món cá nục hấp cuốn bánh tráng.

Cá được chọn hấp phải là những con cá có thân hình săn chắc, mắt trong xanh lóng lánh. Theo kinh nghiệm của người dân quê tôi, cá nục cuốn bánh tráng chỉ nên chọn những con nhỏ tầm khoảng ba lóng tay mới ngon. Trước khi hấp, xếp cá vào đĩa lớn rồi ướp hành tím xắt mỏng, muối, bột ngọt, tiêu, ớt trái thái nhỏ, dầu phộng vào để cá thấm đều. Sau đó, cho đĩa cá vào nồi hấp cách thủy khoảng nửa tiếng đồng hồ là chín. Nếu hấp quá lâu, cá sẽ bị mềm mất đi hương vị đặc trưng.

Muốn món ăn này được ngon hơn, phụ liệu đi kèm cũng phải “đúng bài”. Bánh tráng dùng để cuốn cá phải là bánh tráng sắn (bánh được làm từ củ sắn, còn gọi là khoai mì) có ở các vùng quê xứ Quảng bởi bánh tráng sắn vừa mềm lại vừa dẻo, thêm vào đó là những đọt rau muống tươi xanh và một chén nước mắm tỏi ớt. Đầu tiên gắp lườn cá cho vào miếng bánh tráng đã nhúng nước, tiếp theo cho vài ngọn rau muống vào cuộn lại rồi chấm vào nước dùng và thưởng thức. Một mẹo nhỏ khi ăn món này là lấy ít nước cá tiết ra trong lúc hấp pha chung với nước mắm tỏi sẽ cho ra một thứ nước dùng rất đặc trưng: vừa mang vị ngọt của cá, vừa mang hương thơm của tỏi, ớt.

Ăn cơm quanh năm suốt tháng cũng ngán, và để thay đổi khẩu vị, mẹ tôi thi thoảng vẫn làm món này để cả nhà thưởng thức. Cái hương vị ngọt thơm của cá, giòn giòn của rau muống, dẻo thơm đặc trưng của sắn, cay cay của ớt, mặn mòi của mắm hòa quyện vào nhau làm nên một món ăn dân dã nhưng ngon không thể tả. Món này dùng thay cơm vào những trưa gió mát rượi trước hiên nhà, cả trẻ con lẫn người lớn đều ưa thích.

(Theo: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120408/ca-nuc-hap.aspx)

Cá Nục kho dưa cải

Ngô Mã Thiên


Hằng năm, cứ mùa cá nục kéo về, mẹ tôi thường đi chợ thật sớm để đón mua mớ cá còn tươi óng ánh về chiêu đãi cả nhà.

Ảnh: Ngô Mã Thiên 
Cá nục có thịt ngon và giàu chất dinh dưỡng, có thể chế biến những món giản dị như: kho cà, kho tiêu, nướng, hấp... Trong đó, “ghiền” nhất là món cá nục kho dưa cải.

Vào những ngày tiết trời nắng nhẹ và hơi se lạnh, mẹ tôi thường “đổi gió” đời sống ẩm thực, tìm về chế biến những món kho dân dã đậm đà. Và cá nục kho dưa cải là sự lựa chọn hoàn hảo. Món ăn này luôn có hương vị hòa quyện thơm ngọt của cá ngấm vào từng miếng dưa cải rất hấp dẫn và vô cùng đưa cơm.

Cá nục kho dưa cải ngon nhất là chọn mua những chú cá nục cơm, còn tươi roi rói, dễ gắp dễ ăn. Đem về làm ruột, vi, rửa sạch, để nguyên con. Cho vào cái chảo vừa phải, ướp sơ cá với các loại gia vị: muối, bột ngọt, ít đường, dầu ăn... đợi khoảng 15 phút cho cá thấm vào gia vị rồi mới kho.

Dưa cải chua phải rửa nhiều lần với nước cho thật sạch, vắt khô, cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Cho dưa cải vào chảo, đảo nhẹ, đều rồi phủ lên trên lớp cá một lớp dưa cải. Thêm chút nước mắm, muối, đường... sao cho vừa ăn, đậy kín nắp, để lửa riu riu cho cá và dưa cải thấm gia vị.

Mẹ tôi thường bảo, cách kho cá rất đơn giản, ai kho cũng được nhưng để có nồi cá kho ngon thì người nội trợ phải thật khéo léo. Khi kho không nên đảo cá nhiều lần bởi con cá rất dễ gãy khúc, nát vụn làm nồi cá nhìn kém hấp dẫn.

Đặc điểm của món cá nục kho dưa cải là kho càng lâu càng ngon và đậm đà. Để riu riu trên bếp lửa hồng, đến khi nồi cạn nước thì cho vào thêm một ít nước sôi rồi tiếp tục kho đến khi con cá săn lại, từng miếng dưa cải thấm gia vị mềm mại, mặn mòi thì tắt bếp. Dùng đũa gắp cá và dưa cải ra đĩa, chấm nước mắm tỏi ớt, ăn với cơm còn nóng rất ngon.

(Theo: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140303/ca-nuc-kho-dua-cai.aspx)

Bạch tuộc "mến" Thơm, Cà

Bạch tuộc là sinh vật thân mềm, ngắn, hình ô van thuộc bộ Octopoda sống dưới đáy biển, rất giàu dinh dưỡng, có công dụng bồi bổ sức khỏe cho người mệt mỏi vì thiếu sắt.

Ở quê tôi sau mùng 10 âm lịch, trời yên biển lặng, những thuyền chài đi mẻ lưới đầu năm cập bến mang theo đủ loại hải sản, trong đó có những con bạch tuộc tươi ngon.

Có khá nhiều cách chế biến bạch tuộc như: hấp gừng, làm gỏi, nướng sa tế, chiên giòn... nhưng với tôi, món bạch tuộc xào với thơm (dứa), cà chua của mẹ vẫn là ngon nhất.



Chọn những con bạch tuộc còn tươi, rửa sạch bằng rượu trắng để bớt mùi tanh, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Cắt bạch tuộc thành những miếng vừa ăn, ướp muối, hạt nêm, tiêu, bột ngọt, hành tím băm nhỏ. Bắc chảo lên bếp, phi hành tỏi thật thơm rồi trút tô bạch tuộc vào đảo đều.

Khi thấy những lát bạch tuộc săn lại, cho thơm, cà chua cắt lát và cần tây vào. Mùi thơm lừng tỏa ra thì cũng đến lúc tắt bếp, trút món ăn ra đĩa. Để đĩa bạch tuộc thêm phần hấp dẫn và bắt mắt, điểm thêm vài cọng ngò, ít lá húng lủi lên bề mặt là có thể ăn ngay với cơm. 

Cảm giác giòn sừn sựt của bạch tuộc, vị ngọt của thơm, vị thanh nhẹ của cà chua, mùi thơm của rau cần tây... tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn vô cùng thú vị.

(Theo: http://www.bepnhata.com/an_choi/Bach_tuoc_men_thom,_ca-ed8634c009)

Cá Bã trầu ngon... quên sầu

Cá bã trầu thân thuộc với người dân nơi đây đến nỗi, có cả câu vè:“Chim chìa vôi bay ngang đám thuốc. Con cá bã trầu lội tuốt mương cau”. Và có hẳn mô tả nhận dạng của cá bã trầu: “Đỏ màu bó xác là cá bã trầu”…
Cá bã trầu ngon... quên sầu
Cá bã trầu nướng trên bếp than đỏ rực
Tuy dân dã và dễ dàng tìm thấy ở bất cứ ngôi chợ lớn nhỏ nào của miền Trung, nhưng cá bã trầu lại là món ăn ngon hiếm thấy trong ẩm thực của khu vực này.
Có nhiều cách ăn cá bã trầu, song chế biến kiểu nào cũng tìm thấy vị ngon ngọt rất thanh của loại cá này. Nhưng với các quý ông, cá bã trầu nướng vẫn là "khó cưỡng" nhất.
Cá bã trầu ngon... quên sầu
Thi thoảng, quết một chút dầu phụng lên thân cá trong khi nướng
Trời se sắt lạnh, quạt lò than chờ sẵn để nướng cá bã trầu thật không gì thú vị bằng. Cá bã trầu tươi dong, mua về chỉ cần lấy mang cá bỏ đi, rửa sạch, để ráo rồi xẻ dọc một bên men theo đường xương cá, xẻ sao cho phía bên kia vẫn liền để gia vị không bị chảy ra.
Sau đó là công đoạn tẩm ướp. Gia vị tẩm ướp là ớt xanh Đà Nẵng, giã với muối hột, bột ngọt, chút tiêu, sả, hành lá (bao gồm cả cọng trắng)… Giã cho đến khi tất cả quết nhuyễn với nhau thì nhét vào giữa bụng, nơi đã xẻ cá.
Cá bã trầu ngon... quên sầu
Cá vàng rực hai mặt là đã chín tới
Để khoảng 15 phút đến nửa tiếng cho cá ngấm gia vị nếu không phải vội vàng. Sau đó bắt đầu bỏ lên nướng trên bếp than đỏ rực. Trong khi nướng cá, quết lên da cá một ít dầu phụng cho da cá khi nướng bóng ngời và giữ không để cá mất nước.
Chờ cá vàng chín hai mặt, thơm nức mũi là đã chín tới, có thể bỏ ra đĩa và muốn ăn ngon nhất phải lập tức thưởng thức khi cá còn đang bốc khói nghi ngút.
Cá bã trầu ngon... quên sầu
2 món không thể thiếu khi ăn với cá bã trầu nướng- muối ớt xanh và cải xanh - Ảnh: Diệu Hiền
Dọn kèm là chén muối hột giã ớt xanh, vắt chút chanh. Lẩy lớp da sẽ lộ ra thịt cá trắng bong, mộng nước và thơm lựng. Nhón một miếng cá, gói trong chiếc lá cải xanh, chấm vào muối ớt rồi bỏ vào miệng thưởng thức… Sự hòa quyện của cá bã trầu nướng thơm lựng, với vị chua mặn cay của muối ớt, cái hăng hăng của cải xanh, thật khó diễn tả bằng lời…

(Nguồn: http://saigonamthuc.thanhnien.com.vn/pages/20130129/ca-ba-trau-ngon-quen-sau.aspx )