Thursday, September 18, 2014

Rong mứt khô - Món ngon, bổ dưỡng và tiện dụng trong nhà bếp

Dưới góc độ y học, rong biển là nguồn thực phẩm tự nhiên quý giá giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng đến sức khỏe và sự ổn định của cơ thể con người. 

Cây rong mứt có tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành rong đỏ. Rong Mứt được mọc trên cách ghềnh đá nhấp nhô, việc hái rong rất nguy hiểm. Đến mùa, người dân ở đây đi hái bằng cách dùng tay hái hoặc dùng một cái cào làm bằng một miếng kim loại để cào.

Rong mứt là một trong 3 loại rong thực phẩm được ưa chuộng nhất thế giới, do có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần rong khác do chứa các acid amin, các vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người, trong khi hàm lượng chất béo không cao, rất thích hợp cho người ăn kiêng và bị tiểu đường. Gần đây, khoa học còn khẳng định khả năng chữa bệnh cholesterol và sỏi mật của rong Mứt.

Giá trị dinh dưỡng của rong biển: Cung cấp đầy đủ các chất khoáng đặc biệt là các nguyên tố vi lượng, các acid amin cần thiết cho cơ thể, các loại vitamin (đặc biệt là thuộc nhóm A, B, C, E), các carbon hydrate đặc trưng (mono-, oligo- và polysacaride) và các chất hoạt tính sinh học (lectin, sterols, antibotices) có lợi cho cơ thể và có khả năng phòng bệnh tật (huyết áp, nhuận tràng, béo phì, đông tụ máu, xơ vữa động mạch). Vì vậy ngày nay rong biển được xếp vào loại thực phẩm chức năng (functional food) và ngày càng được sử dụng rộng rãi khắp thế giới.
- Tốt cho người cao huyết áp
- Ngăn ngừa ung thư dạ dày và ung thư đường ruột
- Giảm tích tụ mỡ và cholesterol trong máu
- Thúc đẩy bài tiết, ngăn ngừa táo bón
- Tiết ra hormone sinh trưởng, giúp cơ thể phát triển
- Tăng khả năng sinh nhiệt, giữ ấm cho cơ thể
(Theo: www.anngonnhatrang.com)

Chế biến:  Rong mứt thích hợp với món canh ở bất cứ “thể loại” nào. Khi nấu, chỉ cần phi dầu với vài tép hành trước khi đổ nước vào nồi. Rong và phụ gia cho vào sau khi nước đã sôi. Nêm nếm tùy khẩu vị. Sang thì nấu với tôm, thịt, cua. Thường thường bậc trung thì nấu với vài quả trứng gà hoặc trứng cút. Nhà đông con, khó khăn thì nấu rong mứt với... rong mứt. Hổng chừng nồi canh “nguyên rin” lại hóa hay.

Rong mứt “dễ thương” ở chỗ dù nấu với nguyên liệu nào vẫn ngọt lành, thoang thoảng mùi hương đặc trưng của trùng dương. Đó là chút mặn mà của biển, chút nồng nàn của nắng gió xa khơi, chút thâm trầm ẩm ướt của đá. Riêng những “tín đồ” của rong mứt có thừa sự tinh tế và nhạy cảm còn nghe trong cái sừn sựt của cọng rong có cả cái xao động của sóng trắng lô xô, chút mồ hôi thánh thót của người đi nạo rong sớm chiều trên ghành đá.
(Theo:  http://ihay.thanhnien.com.vn/pages/20131127/ngot-lanh-canh-rong-mut.aspx)

Định lượng bữa ăn: Đối với gia đình 2-3 người thì nên chỉ cần dùng 10gr là đủ nấu, với 4-6 người dùng 20gr. Vậy nên 100gr rong mứt có thể nấu từ 5-10 lần tùy lượng ít nhiều.
Rong đã được làm sạch, không có vị mặn, không cát. Các bạn muốn kỹ hơn có thể rửa qua nước sạch một 2 lần rồi vớt ra, không ngâm rong quá lâu, rong sẽ bị nát.

Những món ngon với rong biển:

- Canh rong biển với tôm/ thịt/ trứng/ đậu phụ/ rau
- Trứng đúc rong biển
- Salad rong biển với cà rốt/ dưa chuột
- Rang khô, nghiền vụn làm gia vị rắc khoai chiên/ bánh mỳ nướng/ cơm/ xôi

Các món kho với cá kìm

Món 1 : Cá Kìm kho giềng 

Nguyên liệu 
- 300g cá kìm 
- 1 củ giềng cạo vỏ cắt lát 
- Nước kho cá: 4 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê tiêu, 1 thìa cà phê dầu ăn, 1 thìa cà phê nước màu, 1 thìa cà phê tỏi. 
- Trộn hỗn hợp nước kho cá cho thật đều. 

Thực hiện: 

Cho cá vào chảo dầu, chiên vàng. 
Cho nước cá kho vào, để lửa nhỏ, cho giềng vô đun nhỏ lửa cho đến khi cá sánh là được. 
Múc ra đĩa.



Món 2 : Cá Kìm Kho Mía

- 500g cá kìm
- 1 khúc mía
- 1 bịch nước mía 
- nước mắm ngon, đường ngà, muối, tiêu, bột ngọt, dầu ăn

Chuẩn bị:
- Ướp cá với muối, tiêu, đường, bột ngọt.
- Mía róc vỏ, chặt thành từng khúc khoảng 5cm, chẻ làm tư.

Thực hiện:
- Chiên cá cho vàng đều 2 mặt, không cần chiên chín. 
- Xếp mía vào nồi, xếp cá lên, trên cá lại là 1 lớp mía.
- Nêm nước mắm, đường ngà, muối, bột ngọt, dầu ăn.
- Đặt nồi lên bếp đun lớn lửa khoảng 5 phút. Cho nước mía vào xâm xấp cá, đun sôi, giảm nhỏ lửa, nêm lại cho vừa ăn. Kho cho đến khi nước trong nồi cạn dần, chỉ còn lại một chút và rất sánh, rắc tiêu, rưới thêm chút dầu ăn cho cá bóng bẩy.

Món 3: Cá Kìm kho cà chua 

1. Nguyên liệu:
- 500 gr cá kìm
- 300 gr cà chua.
- Hành lá, hành tím, tỏi.
- Nước mắm, đường, muối, ớt, tiêu.
- Dầu ăn.
2. Cách làm:
- Chảo nóng khử tỏi thơm, cho cá vào chiên sơ. Vớt ra để ráo dầu.
- Cà chua xắt múi cao, bỏ hột. 
- Chảo nóng cho dầu vào, khử hành tỏi cho thơm. Cho cà chua vào xào sơ. Cho nước mắm + đường + muối + vài trái ớt hiểm vào, nêm nếm vừa ăn, cho cá vào, hạ nhỏ lửa. Thỉnh thoảng trở cá cho thấm gia vị. Nước sệt lại, cho hành lá xắt khúc dài vào, nhắc xuống.

(Theo: http://nongsanthainguyen.vn/shops/Thuy-San/Ca-kim-bong-tuoi-620.html)

Món 4: Cá Kìm kho nghệ

1. Nguyên liệu:
- 500gr cá kìm
- Nghệ; 2 củ to
- Hành tím, 2 cây sả.
- Nước mắm, đường, muối, ớt, tiêu.
- Dầu ăn.
2. Cách làm:
- Cá kìm cắt khúc ướp với nghệ giã nhỏ, hành tím và xả cắt nhỏ, muối, nước mắm trong 30'
- Cho cá cùng các gia vị, dầu ăn và chút nước vào kho, để lửa nhỏ đến khi nước sánh lại là được.

Cá biển kho me: món ngon "đưa cơm"

 Cá biển có 2 chất dinh dưỡng rất quý đối với sức khỏe con người, đó là các acid béo omega 3 (EPA và DHA).
Chất DHA (Docosahexaenoic Acid) có nhiều trong acid béo chưa bão hòa của cá. Nó giữ vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của tế bào não và hệ thần kinh, có ảnh hưởng tới năng lực tìm tòi, phán đoán, tổng hợp của não bộ.
Chất EPA (Eicosapentaenoic Acid) cũng có nhiều trong acid béo chưa bão hòa của cá, có nhiều ở giống cá lưng xanh. EPA giúp phòng chống bệnh xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim.
Cá biển được các đầu bếp danh tiếng khắp các vùng miền chế biến và sáng tạo ra rất nhiều món ngon, hôm nay xin giới thiệu với các bạn 1 cách kho cá biển rất mới, cá biển kho me. Công  thức sau đây là cá kìm kho me, tuy nhiên các bạn có thể áp dụng công thức này với hầu hết các loại cá như cá nục, cá trích, cá ngừ, cá thu, cá bạc má .....Cá kìm là loài cá biển thân dài, thịt chắc, bụng béo, xương mềm màu xanh nhạt rất hợp với các món kho và nấu canh.

Nguyên liệu:

Cá kìm: 0,5kg
Thịt ba chỉ: 0,2kg
Gừng: 1 củ
Me: 3 thìa canh
Hành khô: 3 củ
Đường, gia vị, hạt tiêu vừa đủ

Cách làm:

1. Cá rửa sạch, bỏ ruột, đánh vảy, cắt bỏ đầu, đuôi, vây và chặt thành 3 đến 4 khúc tuỳ con dài, ngắn như trong hình
2. Gừng và hành khô bỏ vỏ, thái nhỏ để riêng
3. Ướp cá với gừng, hạt tiêu, nước mắm và gia vị chừng 30 phút cho ngấm
4. Dùng 3-4 thìa đường chưng nước hàng
5. Cho cá, thịt ba chỉ thái miếng, nước hàng, me, hành khô, thêm nước mắm và nước lọc sâm sấp vào nồi, nêm gia vị và đun sôi chừng 15 phút thì hạ lửa nhỏ, om chừng 45 phút cho cá ngấm mắm muối
6. Trước khi ăn nên đun thêm khoảng 15 phút nữa, vì cá kho 2 lửa bao giờ cũng ngấm gia vị và đậm đà hơn.
7.  Cho cá ra đĩa, lúc này cá có mùi thơm của gừng, hành khô và me, ăn rất tốn cơm các bạn nhé! 
Cá biển kho me: món ngon đưa cơm trong ngày mưa lạnh (14)
(Theo: http://edaily.vn/an-choi/ca-bien-kho-me-mon-ngon-dua-com-trong-ngay-mua-lanh-d3575.html và ảnh trích từ: http://blog.tamtay.vn/entry/view/838381/Co-mot-Ha-Long-ruc-ro.html)

Wednesday, September 10, 2014

Ngọt thơm canh chua cá lạc

* Nguyên liệu:
- Cá lạc cắt khúc: 250g
- Nguyên liệu tạo chua: cà chua, khế chua/ lá giang
- Hành lá, rau ngổ
- Có thể thêm (lượng nhỏ): dứa chín/ dọc mùng/ chuối chát, ớt
* Chế biến:
- Cá ướp gia vị và hành khô băm nhỏ trước từ 15-30 phút
Đun sôi nước, cho bột canh, nguyên liệu tạo chua, dứa và cá đã ướp vào. 
Đun sôi nồi canh chừng 5 phút cho cá chín, cho các gia vị còn lại vào.
- Múc canh ra bát, có thể phi thơm tỏi để rưới lên trên bát canh

Ở biển có nhiều loài cá da trơn thịt ngon như cá chình, cá lị,.... Trong các loại đó, cá lạc cũng được xếp vào hàng đặc sản. Thịt cá lạc có màu trắng, dai chắc, thường dùng để chế biến nhiều món ngon trong bữa ăn gia đình như om, kho, nướng... Hải Sản Tốt xin giới thiệu một bài viết rất hay đăng trên chuyên mục Sài Gòn ẩm thực của báo Thanh Niên.

Tôi nhớ một kỷ niệm hồi nhỏ về con cá lạc. Má đi chợ về, nói với ba là chợ có cá lạc tươi ơi là tươi nhưng em không mua. Đầu năm mà ăn cá lạc là… loạn lạc, ráng cữ hết tháng giêng cái đã. Ba chưng hửng, nói má thằng cu ơi, lạc đây là lạc “vui” chớ hổng phải như má nó nghĩ đâu.

Má hổng chịu, hỏi vui là vui cách sao? Ba thủng thẳng: “Cá lạc thịt dai, thơm ngon, lành tính, nấu canh chua thì… vua cũng thèm. Thằng cu mình mà ăn cá này bảo đảm lớn…vùn vụt vì cá có chất bổ xương. Má nó coi, không vui sao được”. Má nguýt ba, nói bổ xương cho thằng cu hay để anh gật gù với rượu?

Da cá lạc dẻo thơm. Thịt cá ngọt lừ, trắng phau khiến người đang đau đắng miệng
mà ăn cũng thấy ngon - Ảnh: Trần Cao Duyên
Nói vậy thôi nhưng má “lén” ba, luồn ngõ sau đi chợ “tăng” hai, mang về một con cá lạc mập ú, dài… miên man, da bóng nhẩy. Má làm cá. Ba xăng xái ra vườn kiếm chuối chát, khế, cà chín cho má nấu canh chua. Nhìn cái cách ba “nhiệt tình” giúp má, tôi biết tỏng thế nào ổng cũng múc riêng một tô rồi sai tôi mua bánh tráng, tiện đường mời bác Sáu hàng xóm qua chơi.

Ba cà rà bên má, nói anh hổng dám mơ tới thịt, chỉ chút da thôi là “toại nguyện” lắm rồi. Giọng thì nạt, miệng thì cười, má nói đừng có om sòm làm bộ làm tịch, cứ tha hồ, em mua tới một con lận.

Nồi canh chua cá lạc thơm từ bếp thơm lên. Không phải lần đầu tiên ăn canh chua cá lạc nhưng lần nào tôi cũng ngây ra, tự hỏi cà thơm thì đã đành, nhưng chuối chát với khế thì thơm nỗi gì? Vậy mà khi bước vào nồi canh, hai anh phụ gia này tỏa mùi hương vừa chua vừa thanh như lời lẽ cô gái mới lớn khi bị (hay được?) con trai chọc ghẹo. Chị Hai nói cà, khế, chuối bùi bùi, chua chua, chát chát mà thơm ngát mâm cơm.

Còn “nhân vật” chính là cá lạc thì khỏi nói. Da cá dẻo thơm. Thịt cá ngọt lừ, trắng phau khiến người đang đau đắng miệng mà ăn cũng thấy ngon. Riêng cái khoản nước chấm thì ba là người giản đơn số một: rót nước mắm nguyên chất, dùng đũa dằm trái ớt là xong.

Ba nói nước chấm vậy mới “tôn vinh” được miếng cá lạc, mới thấy thế nào là mặn mòi. Chứ còn lúc nào cũng tỏi chanh đường, nước mắm mất đi cái đậm đà bản sắc.

Tôi để ý, hễ mỗi lần ba say sưa “luận” về món ăn và cách ăn thì bác Sáu “tăng cường” gắp gắp, chấm chấm, nhai nhai, nuốt nuốt, chỉ nói mỗi một từ “đúng đúng”. Có lần tôi “phản ánh” chuyện này với ba, ba cười khà khà nói thằng này thương ba dữ bay. Nhưng đó là nhịn miệng đãi khách con à. Ăn cá lạc phải “vui”. Vui nhất là ba hiểu được “văn hóa canh chua” từ bàn tay của má.

(Theo: http://saigonamthuc.thanhnien.com.vn/pages/20140312/ngot-thom-canh-chua-ca-lac.aspx)